Khởi nguồn là một phương pháp tiếp cận được sử dụng trong các dự án phát triển phần mềm, Agile trong những năm gần đây đã vượt ra khỏi địa hạt này và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực non-tech khác như quản lý nhân sự, marketing, quản trị và lãnh đạo.
Câu hỏi mà chúng tôi thường xuyên nhận được từ khách hàng và đối tác của Enable Startup là: Agile có thực sự lý tưởng, “toàn năng” như cách mà người người nhà nhà đang nói về nó? Về cơ bản, câu trả lời của tôi là “Có”, bởi Agile từ góc nhìn của cá nhân tôi là một tinh thần, hơn là một bộ quy tắc, và tinh thần đó đa phần là có lợi. Vấn đề đáng nói ở đây là áp dụng Agile như thế nào trong thực tế, có những best practices nào đã được rút ra từ các dự án đi trước và cần cân nhắc những gì trong từng trường hợp cụ thể.
Ở bài viết này, tôi sẽ trình bày một số điểm then chốt về Agile cũng như những nguyên tắc áp dụng Agile nhằm tăng hiệu quả làm việc và tính ổn định, sức bền của team (high-performance teams). Đây là những gì được đúc rút từ kinh nghiệm hơn 11 năm làm việc trong ngành phần mềm của cá nhân tôi và hiện tại đang được áp dụng trong hầu hết các dự án tại Enable Startup.
Phần 1: Hiểu về Agile, High-performance team và các khái niệm liên quan
Trước khi đi sâu vào cách thức, điều đầu tiên cần làm rõ là phân biệt Agile, high-performance team và các khái niệm liên quan như Scrum, Lean Startup. Chúng là gì, khác nhau ở đâu và liên hệ với nhau như thế nào?
Agile
Cùng bắt đầu với Agile. Nói nôm na, Agile là một tinh thần, một triết lý trong quản lý dự án.
Triết lý Agile nhấn mạnh tính linh động, tối giản hóa các quy trình, hệ thống cấp bậc và đề cao tương tác cũng như khả năng giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân, nhờ đó đẩy nhanh năng suất, hiệu quả công việc, phản ứng nhanh với biến động, hạn chế lãng phí nguồn lực và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho dự án.
Trong ngành phần mềm, trước khi Agile ra đời thì cái tên thống trị là “waterfall” – mô hình thác nước, hoặc quản lý dự án theo kế hoạch – “plan-driven”. Các trường phái truyền thống này được đặc trưng bởi cách triển khai dự án theo tuần tự tuyến tính, đầu ra của giai đoạn này là đầu vào của giai đoạn tiếp theo, không có sự chồng chéo. Tuy nghe qua có vẻ chặt chẽ, các cách tiếp cận này lại bộc lộ nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế. (add stats) Lý do chính là vì yêu cầu của khách hàng thường thay đổi liên tục, khả năng tiên liệu của team cũng ít khi được chính xác như trên lý thuyết, dẫn đến một thực tế là lên kế hoạch càng dài và càng tham vọng thì càng dễ vỡ, kết quả là lãng phí nguồn lực. Bởi vậy mà Agile ra đời. Ngược lại với waterfall hay plan-driven, đặc trưng của Agile là dự án được chia thành các vòng lặp nhỏ với các mục tiêu ngắn và khả thi, song song với đó là quá trình phản hồi và tối ưu diễn ra liên tục.
Tinh thần Agile được truyền tải khá trọn vẹn thông qua “Tuyên ngôn Agile” (“Agile Manifesto” – một bộ quy tắc nhận được sự đồng thuận rộng rãi của nhiều chuyên gia trong ngành phần mềm), trong đó có thể tóm gọn bởi 4 gạch đầu dòng sau đây:
- Chú trọng vào từng cá nhân và từng tương tác hơn là các quy trình và công cụ
- Tài liệu mô tả có thể không hoàn hảo, miễn là phần mềm chạy tốt
- Khách hàng là để cộng tác cùng phát triển, không phải chỉ để thảo luận về hợp đồng
- Tùy theo hoàn cảnh mà linh hoạt thích ứng, thay vì bám theo kế hoạch một cách cứng nhắc.
Scrum
Như vậy, khi nói đến Agile, ta đang mới chỉ dừng ở một lối tư duy, một triết lý khá chung chung. Để thực hành triết lý này, cần có một số phương pháp, quy trình thực thi cụ thể. Scrum chính là một trong số đó, bên cạnh những cái tên khác như KanBan, Extreme Programming (XP), ScrumBan, Crystal hay Lean Startup.
Sở dĩ tôi nhấn mạnh Scrum là bởi đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất tại Enable Startup, cũng đồng thời chiếm đến 58% “thị phần” trong số các phương pháp Agile được áp dụng hiện tại trên thế giới, theo khảo sát của VersionOne năm 2020.
High-performance Team
Ok, tới đây chúng ta đã hiểu cơ bản về Agile và Scrum. Vậy high-performance team (tạm dịch là đội hiệu suất cao) nằm ở đâu trong các mô hình này? Câu trả lời là ở đầu ra.
High-performance team chính là sản phẩm trực tiếp của các phương pháp tổ chức, quản lý dự án nêu trên, từ đó góp phần phục vụ mục tiêu tối thượng là tối ưu hóa năng suất, sức bền, hiệu quả làm việc và cuối cùng, tạo ra nhiều giá trị.
Để có được “high performance” trong một dự án vận hành theo nguyên lý Agile, hay cụ thể hơn là Scrum, mỗi thành viên trong team cần một sự gắn kết sâu sắc với tổng thể dự án và toàn tâm toàn ý hướng đến mục tiêu chung. Chính động lực và tầm nhìn này là chất kết dính thúc đẩy cả team tiến về phía trước. Để có được điều này, mỗi thành viên cần hội tụ các phẩm chất nêu trong mô hình dưới đây:
Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để đạt được các phẩm chất có phần hơi định tính nêu trên? Ở phần tiếp theo, tôi sẽ trình bày cách mà những mục tiêu này được cụ thể hóa bằng các quy trình và tiêu chí có-thể-đo-lường.
Phần 2: Quy trình và cách thức xây dựng high-performance team tại Enable Startup
Nội dung chính:
- Tầm quan trọng của yếu tố văn hóa
- Các tiêu chí và hoạt động cụ thể